Chướng bụng, đầy hơi

Bạn thân mến,

Bạn đang có cảm giác đau hoặc khó chịu ở phần thượng vị, kèm với chán ăn, đầy hơi, ăn nhanh no, đầy bụng sau ăn? Nếu vậy thì có nhiều khả năng bạn đang mắc triệu chứng “Chướng bụng, đầy hơi”.

Mời bạn đọc bài viết "Chướng bụng, đầy hơi" được bác sĩ tiêu hoá Doctor Check đơn giản hoá dành riêng cho bạn.

1. Chướng bụng, đầy hơi là gì?

Chướng bụng hay đầy hơi là tình trạng khí bị tích tụ, rối loạn chức năng tiêu hóa hoặc thức ăn bị tắc nghẽn trong đường tiêu hóa. Biểu hiện đặc trưng của chướng bụng đầy hơi bạn có thể gặp là cảm giác đầy bụng, bụng căng tức.

Chướng bụng là hiện tượng rất phổ biến và thường gặp ở mọi lứa tuổi. Khi bị đầy hơi chướng bụng, bạn cũng có thể có một số triệu chứng đi kèm như: đau bụng cấp tính, đầy hơi gây cảm giác khó chịu ở bụng, ợ hơi hoặc xì hơi liên tục, sôi bụng.

2. Nguyên nhân nào khiến bạn bị chướng bụng, đầy hơi?

Chướng bụng, đầy hơi thường do các bệnh lý liên quan đến hệ tiêu hóa và một số yếu tố đến từ chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt không khoa học của bạn.
Tuy không nguy hiểm, nhưng nếu tình trạng chướng bụng kéo dài hoặc tái phát thường xuyên thì đây có thể là vấn đề tiêu hóa nghiêm trọng và bạn không nên chủ quan.

Một số nguyên nhân thường gặp gây chướng bụng, đầy hơi:

  • Viêm dạ dày.
  • Loét dạ dày – tá tràng.
  • Rối loạn dạ dày.
  • Tích tụ khí trong ruột và dạ dày.
  • Khó tiêu.
  • Tình trạng không dung nạp thực phẩm.
  • Bệnh lý loạn khuẩn ở ruột non (SIBO).
  • Rối loạn đường ruột mạn tính.
  • Táo bón.
  • Nhiễm trùng.
  • Rối loạn phụ khoa.
  • Giữ nước.

3. Chướng bụng, đầy hơi là dấu hiệu của bệnh gì?

Chướng bụng đầy hơi kéo dài có thể là triệu chứng của các bệnh lý nghiêm trọng như viêm dạ dày, loét dạ dày – tá tràng, và táo bón. Ngoài ra, các bệnh về đường ruột mạn tính hoặc nhiễm trùng tiêu hóa cũng có thể khiến bạn gặp tình trạng này.

Viêm dạ dày

Viêm dạ dày là tình trạng bạn bị viêm niêm mạc dạ dày. Nguyên nhân thường do nhiễm Helicobacter Pylori, lạm dụng thuốc, hoặc thói quen xấu như uống rượu, hút thuốc.

Khi bị viêm dạ dày bạn có thể có những triệu chứng như: đau, nóng rát vùng thượng vị, Buồn nôn, nôn, khó tiêu, chán ăn và đặc biệt là chướng bụng đầy hơi

Loét dạ dày – tá tràng

Loét dạ dày- tá tràng do tác động của acid dạ dày, gây tổn thương niêm mạc và đau, đầy bụng. Khi bị loét dạ dày – tá tràng bạn có thể nôn ra máu hoặc phân đen, và cảm thấy mệt mỏi, chán ăn.

Rối loạn dạ dày

Rối loạn dạ dày ảnh hưởng đến khả năng tiêu hóa thức ăn bên trong dạ dày. Các cơ bên trong dạ dày ngừng hoạt động khiến thức ăn đi qua dạ dày và ruột chậm hơn bình thường. Các triệu chứng báo hiệu rối loạn dạ dày bạn có thể gặp bao gồm:chướng bụng, đầy hơi, táo bón, ăn không ngon, ăn nhanh no, ợ nóng, buồn nôn, nôn ói, đau và khó chịu vùng thượng vị.

Táo bón

Táo bón là nguyên nhân phổ biến gây triệu chứng chướng bụng dưới. Nếu bạn thường xuyên bị táo bón có thể gây chướng bụng, đầy hơi, tắc ruột, căng tức bụng.
Phân nằm trong ruột càng lâu, vi khuẩn sẽ càng có nhiều thời gian để phân hủy và lên men. Quá trình lên men và phân hủy sẽ sinh ra khí đồng thời khối phân sẽ cứng và khô hơn. Tình trạng này khiến bạn cảm thấy khó chịu, bụng căng tức và muốn đi ngoài nhưng gặp nhiều khó khăn.

4. Làm sao để chẩn đoán chính xác bệnh lý nào làm bạn chướng bụng, đầy hơi?

Khám lâm sàng

Bác sĩ thường dựa trên các triệu chứng, tiền sử bệnh, thói quen ăn uống sinh hoạt của bạn và kết quả khám lâm sàng để chẩn đoán nguyên nhân gây chướng bụng, đầy hơi.

Xét nghiệm

  • Kiểm tra hơi thở: Xét nghiệm không xâm lấn giúp chẩn đoán các bệnh như khó tiêu, SIBO, và hội chứng không dung nạp thực phẩm.
  • Xét nghiệm huyết thanh: Chẩn đoán bệnh Celiac.
  • Xét nghiệm phân: Phát hiện vi khuẩn.
  • Xét nghiệm máu: Phát hiện các dấu hiệu của thiếu máu hoặc suy nhược.

Chẩn đoán hình ảnh

Nếu bạn mắc chứng táo bón, đã từng phẫu thuật bụng, mắc bệnh Crohn hoặc chứng rối loạn chức năng ruột non thì có thể sẽ được chỉ định chụp CT hoặc chụp cộng hưởng từ ổ bụng.

Nội soi ống tiêu hóa

Nội soi dạ dày và đại tràng giúp bác sĩ quan sát trực tiếp các tổn thương trong hệ tiêu hóa, từ đó xác định chính xác bệnh lý gây chướng bụng:

  • Nội soi ống tiêu hóa trên bao gồm nội soi thực quản-dạ dày-tá tràng giúp bác sĩ phát hiện, đánh giá tổn thương ở đường tiêu hóa trên và xác định chính xác bệnh lý ở đường tiêu hóa trên nào gây ra triệu chứng chướng bụng đầy hơi.
  • Nội soi ống tiêu hóa dưới bao gồm nội soi đại – trực tràng giúp bác sĩ quan sát được toàn bộ đại tràng, trực tràng và thành ống hậu môn, giúp tìm ra các tổn thương, khối u hoặc các triệu chứng bất thường bên trong thành ruột như xuất huyết, viêm loét, tắc ruột,…

Nội soi là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán các bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa. Thông qua nội soi, bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác bệnh lý và đưa ra phương pháp điều trị hiệu quả dành cho bạn.

5. Cách điều trị và phòng ngừa Chướng bụng, đầy hơi?

Cách điều trị chướng bụng đầy hơi thường tập trung vào việc điều trị bằng thuốc. Bên cạnh đó bạn cần xây dựng thói quen ăn uống sinh hoạt và lối sống hợp lý để điều trị và phòng ngừa triệu chứng.

Dùng thuốc điều trị triệu chứng đầy hơi

Bạn sẽ được bác sĩ kê đơn thuốc để hỗ trợ điều trị triệu chứng đầy hơi và các bệnh lý liên quan. Các loại thuốc thường dùng trong điều trị triệu chứng chướng bụng đầy hơi như: thuốc kháng sinh, thuốc kháng acid, thuốc chống co thắt, thuốc hỗ trợ nhu động ruột, thuốc có chứa thành phần lactase dành cho đối tượng mắc tình trạng không dung nạp lactose…

Thay đổi chế độ ăn uống

Một số lưu ý về chế độ ăn uống dành cho bạn:

  • Tránh thực phẩm gây đầy hơi như đậu, sữa, thực phẩm chế biến sẵn, nước có gas, rượu bia.
  • Hạn chế dùng thực phẩm chế biến sẵn: Thực phẩm chế biến sẵn thường nhiều muối và chất béo có thể khiến cơ thể giữ nước và tiêu hóa chậm hơn, từ đó dẫn đến đầy hơi, táo bón.
  • Tránh vừa ăn vừa nói chuyện để hạn chế nuốt phải nhiều không khí gây đầy hơi.
  • Vận động nhẹ nhàng mỗi ngày: giúp bạn tăng cường quá trình trao đổi chất, tiêu hóa thức ăn tốt hơn.
  • Ăn nhiều bữa nhỏ, nhai chậm, uống đủ nước.
  • Sử dụng men vi sinh: Giúp cải thiện môi trường vi khuẩn trong ruột, làm giảm các triệu chứng đầy hơi và chướng bụng.

6. Khi nào bạn cần phải gặp bác sĩ tiêu hoá?

Chướng bụng, đầy hơi là dấu hiệu thường gặp sau khi ăn quá no hoặc ăn phải các thực phẩm khó tiêu và thường sẽ biến mất sau vài tiếng. Tuy nhiên, bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị nếu các dấu hiệu đầy hơi kéo dài vài ngày, lặp đi lặp lại.
Đồng thời, bạn cần ngay lập tức đến gặp bác sĩ nếu xuất hiện các triệu chứng nguy hiểm đi kèm sau đây:

  • Sốt cao, đau bụng dữ dội, buồn nôn, nôn ói kéo dài hơn 24 tiếng.
  • Xuất hiện máu ẩn trong phân, phân mỡ.
  • Xuất huyết trong bụng, bụng căng cứng sau một chấn thương hoặc tai nạn.
  • Sụt cân không kiểm soát.
Background Image

Để biết chính xác bệnh lý khiến bạn Chướng bụng, đầy hơi và cách điều trị, bạn hãy đặt lịch khám chuyên sâu cùng bác sĩ tiêu hoá Doctor Check!