1. Khó tiêu chức năng là gì?
Khó tiêu chức năng là thuật ngữ mô tả hội chứng đầy hơi, khó tiêu và đau vùng thượng vị tái diễn mà không có nguyên nhân rõ ràng. Bệnh đặc trưng bởi các dấu hiệu như no sớm, đầy hơi, đau vùng thượng vị hoặc nóng rát vùng thượng vị.
2. Nguyên nhân nào khiến bạn Khó tiêu chức năng?
Nguyên nhân khó tiêu chức năng vẫn chưa được xác định, đây là một rối loạn chức năng không do bệnh lý hoặc rối loạn cụ thể nào gây ra. Tuy nhiên, một số yếu tố có thể làm bạn tăng nguy cơ phát triển chứng khó tiêu chức năng, bao gồm:
● Rối loạn nhu động dạ dày – tá tràng: chậm làm trống dạ dày, giảm khả năng giãn dạ dày, tăng nhạy cảm dạ dày – tá tràng.
● Nhiễm vi khuẩn Hp khoảng 39 – 87% trường hợp người mắc chứng khó tiêu chức năng có nhiễm vi khuẩn Hp.
● Viêm tá tràng mức độ nhẹ: Bệnh viêm tá tràng do tăng bạch cầu ái toan liên quan đến các triệu chứng của bệnh khó tiêu chức năng như cảm giác no sớm và đau bụng
● Chế độ ăn và sinh hoạt không lành mạnh: thực phẩm dầu mỡ, ăn quá no, thuốc lá, rượu bia, căng thẳng.
● Tác dụng phụ của một số loại thuốc
3. Những triệu chứng nào thường gặp khi bạn bị Khó tiêu chức năng?
Triệu chứng khó tiêu chức năng thường giống hội chứng ruột kích thích (IBS) như đau thượng vị, đầy bụng sau ăn, nhưng chỉ ảnh hưởng đến ống tiêu hóa trên, không liên quan thói quen đi tiêu.
Ngoài ra, khó tiêu chức năng và GERD không viêm thực quản cũng có biểu hiện tương tự như ợ chua, buồn nôn, nôn. Các biểu hiện và triệu chứng phổ biến của chứng khó tiêu chức năng (khó tiêu không do loét) bao gồm:
● Cảm giác nóng rát ở ngực (ợ nóng), đầy bụng, ợ hơi nhiều hoặc buồn nôn sau bữa ăn.
● Ăn nhanh no.
● Đau dạ dày đôi khi có thể xảy ra không liên quan đến bữa ăn hoặc có thể thuyên giảm sau bữa ăn.
4. Làm thế nào để chẩn đoán chính xác bệnh lý Khó tiêu chức năng?
Khám lâm sàng
Bác sĩ sẽ hỏi chi tiết về tình trạng bệnh, các loại thuốc đang uống để điều trị bệnh (nếu có), cũng như bệnh sử và tiền căn của bạn và người thân để định hướng chẩn đoán. Bác sĩ thực hiện thăm khám tổng quát, tập trung khám tiêu hóa để kiểm tra các dấu hiệu và triệu chứng gợi ý nguyên nhân cơ bản.
Xét nghiệm
● Xét nghiệm máu: giúp loại trừ các bệnh lý khác có thể gây ra các dấu hiệu và triệu chứng tương tự như chứng khó tiêu chức năng.
● Các xét nghiệm tìm vi khuẩn Hp: Xét nghiệm kháng thể trong máu để tìm bằng chứng nhiễm khuẩn Hp, xét nghiệm phân, xét nghiệm hơi thở.
● Kiểm tra độ pH: Thực hiện kiểm tra pH thực quản 24 giờ kể cả khi đã điều trị bằng chất ức chế bơm proton. Phương pháp này sẽ đo lượng axit trong thực quản khi cơ thể ở các trạng thái khác nhau, chẳng hạn như trong khi ăn hoặc ngủ.
Chẩn đoán hình ảnh
Chụp X-quang cản quang là kỹ thuật sử dụng chất tương phản bari để phủ lên niêm mạc thực quản, dạ dày và tá tràng. Trong một vài trường hợp, bác sĩ chỉ định các xét nghiệm bổ sung siêu âm bụng, chụp CT, MRI hoặc đánh giá khả năng làm rỗng dạ dày.
Nội soi dạ dày
Để chẩn đoán loại trừ các bệnh lý như trào ngược dạ dày – thực quản, viêm hoặc loét dạ dày – tá tràng, hội chứng ruột kích thích, ung thư đường tiêu hóa trên,… gây ra các triệu chứng tương tự chứng khó tiêu chức năng, bác sĩ sẽ chỉ định nội soi ống tiêu hóa trên bao gồm nội soi thực quản- dạ dày- tá tràng. Thông qua nội soi bác sĩ sẽ trực tiếp quan sát các tổn thương và có cơ sở để chẩn đoán chính xác bệnh lý ở đường tiêu hóa trên.
5. Những biến chứng bạn có thể gặp khi Khó tiêu chức năng kéo dài?
Bệnh có thể gây ra các biến chứng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe tổng thể, bao gồm:
- Chán ăn, sụt cân: Triệu chứng đầy hơi, buồn nôn, chướng bụng làm giảm cảm giác thèm ăn, dẫn đến sụt cân và suy dinh dưỡng.
- Đau đớn và khó chịu kéo dài: Các triệu chứng thường xuất hiện lặp lại, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày và giấc ngủ.
- Tâm lý lo âu, căng thẳng: Bệnh kéo dài có thể dẫn đến stress, trầm cảm hoặc lo lắng, khiến tình trạng bệnh càng nghiêm trọng hơn.
6. Cách điều trị và phòng ngừa bệnh Khó tiêu chức năng?
Các phương pháp điều trị khó tiêu chức năng
Điều trị khó tiêu chức năng phụ thuộc vào các dấu hiệu và triệu chứng bệnh, vì vậy các phác đồ điều trị có thể khác nhau ở từng bệnh nhân.
Thuốc trị khó tiêu chức năng
Các loại thuốc trị khó tiêu chức năng sẽ được bác sĩ chỉ định trong quá trình điều trị bao gồm:
● Thuốc giảm đầy hơi: thuốc làm giảm khí có thành phần simethicone
● Thuốc chẹn H2: Giảm axit dạ dày lâu dài và ngăn sản sinh axit dạ dày
● Thuốc ức chế bơm proton (PPI): Giảm sản sinh axit mạnh hơn, giúp niêm mạc tổn thương phục hồi
● Thuốc kháng sinh: Diệt vi khuẩn Hp gây viêm loét dạ dày.
● Thuốc chống trầm cảm liều thấp: Giảm đau đường ruột, gồm nhóm ba vòng
● Thuốc trợ vận động (Prokinetic): Tăng làm rỗng dạ dày, giảm đầy hơi, buồn nôn.
● Thuốc chống nôn: Giảm buồn nôn sau ăn
Lưu ý: Bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc trị khó tiêu chức năng.
Can thiệp tâm lý
Điều trị tâm lý có thể giúp làm giảm các triệu chứng không điều trị được bằng thuốc. Bác sĩ tâm lý có thể hỗ trợ các kỹ thuật thư giãn, giảm stress trong cuộc sống để ngăn ngừa chứng khó tiêu chức năng tái phát.
Thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt
Chưa có nghiên cứu chỉ ra những thực phẩm cụ thể nào có liên quan đến chứng khó tiêu chức năng, nhưng thay đổi chế độ ăn và sinh hoạt có thể giúp kiểm soát triệu chứng:
● Chia nhỏ bữa ăn, tránh bỏ bữa và ăn quá no.
● Hạn chế thực phẩm kích thích axit như đồ cay, béo, có cồn, caffeine.
● Ăn chậm, nhai kỹ, giảm căng thẳng bằng các hoạt động yêu thích.
● Nâng đầu giường khi ngủ, duy trì cân nặng hợp lý để giảm triệu chứng.
Một số liệu pháp phối hợp khác
Hiện nay, vẫn chưa có liệu pháp thay thế thuốc được chứng minh là có thể điều trị khó tiêu chức năng. Tuy nhiên, một số liệu pháp bổ sung và thay thế có thể giúp giảm nhẹ các triệu chứng khó tiêu không do loét khi kết hợp với các phương pháp điều trị từ bác sĩ.
● Các phương pháp điều trị bằng thảo dược: bạc hà, tinh dầu caraway, Iberogast (STW5), Rikkunshito, chiết xuất lá atiso…
● Các liệu pháp thư giãn: ngồi thiền, tập yoga, tập thể dục. Phương pháp phòng ngừa khó tiêu chức năng Một số biện pháp tại nhà và thay đổi chế độ ăn uống giúp kiểm soát khó tiêu chức năng:
● Tăng cường rau xanh, củ quả, trái cây giàu chất xơ và vitamin.
● Hạn chế thuốc giảm đau, chỉ dùng theo tư vấn bác sĩ.
● Tránh rượu bia, thuốc lá.
● Xây dựng chế độ ăn uống khoa học.
● Rèn luyện thể thao thường xuyên.
● Tuân thủ điều trị vi khuẩn Hp theo chỉ dẫn bác sĩ.
7. Khi nào bạn cần gặp bác sĩ tiêu hoá?
Nếu có các dấu hiệu và triệu chứng bất thường kể trên kéo dài không thuyên giảm, Bạn nên đến cơ sở y tế (bệnh viện/phòng khám tiêu hóa) để thăm khám hệ tiêu hóa. Các triệu chứng cho thấy tình trạng sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm:
● Nôn ra máu
● Tiêu phân đen, màu hắc ín
● Thiếu máu do thiếu sắt
● Khó thở
● Cơn đau bụng lan đến hàm, cổ hoặc tay
● Sụt cân không rõ nguyên nhân
● Khó nuốt